Thứ bảy, 27/4/2024 |
Previous
Next

Văn hóa Doanh nghiệp

Vượt qua cảm giác chán việc

Có được công việc khao khát với mức lương ổn định, bạn vẫn ngán ngẩm mỗi khi nghĩ đến văn phòng. Lúc này, khơi gợi lại hứng thú đi làm là thiết yếu và cấp bách.

Bạn có thể dành đến hơn nửa đời mình cho công việc. Với một khoảng thời gian dài như thế, đảm bảo được tinh thần thoải mái và phấn chấn là yếu tố tiên quyết để bạn tiến xa hơn trong sự nghiệp.

Để không phải đối mặt với hàng loạt ám ảnh hay sự tẻ nhạt dài lê thê, bạn cần tìm được những phương pháp sống chung hòa hợp với chốn công sở. Dưới đây, TIME chỉ ra những mẹo đơn giản và hiệu quả giúp bạn tận hưởng và hạnh phúc hơn khi đi làm.

Khởi đầu ngày mới bằng cảm xúc tích cực

Bạn thức dậy cảm giác ra sao sẽ ảnh hưởng tới tâm trạng cả ngày sau đó.

Trong một nghiên cứu về sự liên quan giữa cảm xúc và hiệu suất làm việc của các nhân viên ngành dịch vụ, các chuyên gia đã chỉ ra rằng những người có tâm trạng tốt vào đầu ngày có tương tác và chăm sóc khách hàng tích cực hơn hẳn.

Như vậy, vào mỗi sáng, bạn hãy cố gắng chủ động làm những việc thúc đẩy năng lượng tích cực của mình.

Chẳng hạn, bạn có thể dành vài phút thưởng thức ly cà phê yêu thích. Hãy chắc chắn rằng bạn thực sự tập trung và tận hưởng thức uống chứ không vội vã nốc cạn để quay trở lại bàn làm việc.

Ra ngoài hít thở không khí trong lành cũng là một cách hay để bắt đầu ngày mới. Một nghiên cứu cho hay dành 20 phút mỗi ngày thư giãn trong bầu không khí thoáng đãng giúp bạn cảm thấy khỏe khoắn và hạnh phúc hơn.

Ít đưa ra quyết định

Việc phải liên tục lựa chọn và ra quyết định dễ dàng bào mòn lẫn nhận thức của bạn. Về lâu dài, bạn trở nên mệt mỏi, thậm chí kiệt sức.

Để tránh rơi vào tình trạng này, bạn có thể áp dụng phương pháp lặp lại tự động. Chẳng hạn, thay vì cố gắng đổi mới món ăn mỗi ngày, bạn có thể chọn đồ ăn giống nhau trong một khoảng thời gian rồi hẵng thay đổi.

Như vậy, bạn sẽ tiết kiệm cho kha khá thời gian và sức lực trong ngày. Ngay cả Steve Jobs, cựu điều hành Apple - hãng đồ công nghệ nổi tiếng, cũng từng chia sẻ rằng ông chỉ mặc các trang phục hàng ngày giống nhau để không tốn sức vào việc quyết định.

Bên cạnh đó, trước khi nhận bất kỳ trách nhiệm nào, bạn nên xem xét kỹ lưỡng các yếu tố liên quan trước. Bạn hãy tự hỏi rằng công việc đó ảnh hưởng lớn không và liệu bản thân có suy nghĩ quá mức về nó không. Nếu câu trả lời là không cho cả hai trường hợp, tốt hơn hết bạn nên bỏ qua đầu việc này để không mất công suy nghĩ lựa chọn.

Giúp đỡ đồng nghiệp

Giúp đỡ người khác có khả năng làm tinh thần bạn vui vẻ hơn. Điều này cũng có thể áp dụng vào trong môi trường làm việc.

Một nghiên cứu chỉ ra rằng những người trong độ tuổi 30 và chú trọng giúp đỡ đồng nghiệp có mức độ hạnh phúc cao ngay cả khi được khảo sát lại vào 30 năm sau đó. Trong một nghiên cứu khác, những nhân viên hài lòng hơn trong công việc thường xuyên hỗ trợ các nhân viên khác.

Thực tế, bạn không cần phải quá mức nhiệt tình hay làm những đầu việc quá to tát. Sự đỡ đần nhỏ nhặt như mua đồ ăn trưa hay viết giùm biên bản họp cũng đã rất đáng xem trọng.

Khó khăn duy nhất bạn có thể gặp phải đó là biến những cử chỉ tốt đẹp này thành thói quen thay vì việc chỉ làm một lần rồi thôi. Bạn có thể viết ghi chú hay cài chế độ nhắc nhở trên điện thoại. Ban đầu, những hành động có vẻ kỳ quặc nhưng một khi quen thuộc, bạn sẽ thấy thoải mái và lạc quan hơn.

Đặt mục tiêu

Trong cuốn sách The Progress Principle: Using Small Wins to Ignite Joy, Engagement, and Creativity at Work, hai tác giả là Teresa Amabile and Steven Kramer chỉ ra rằng một trong những tác nhân xây đắp niềm vui và hài lòng trong công việc là cảm giác phát triển hơn theo thời gian.

Để có được tâm thế này, bạn hãy thử viết xuống ba điều mục tiêu nhỏ cần hoàn thành trong ngày. Bạn nên cố gắng làm xong chúng trước khi lao vào làm những công việc chính quan trọng hơn.

Sau khi làm xong việc nào bạn hãy gạch bỏ chúng ngay. Cuối ngày, khi xem xét lại danh sách mục tiêu này, bạn có thể cảm thấy ít nhiều sự tiến bộ của mình.

Kết thúc ngày làm việc bằng sự biết ơn

Không may là não bộ chúng ta ghi nhớ những kỷ niệm xấu dễ dàng hơn những điều tốt đẹp.

Chẳng hạn, một nghiên cứu chỉ ra rằng những trải nghiệm tiêu cực ở nơi làm việc có ảnh hưởng lớn gấp ba lần những câu chuyện tích cực có được tại chốn công sở.

Nhiều người có xu hướng tập trung vào việc “bới lông tìm vết” như một cách để bảo vệ bản thân khỏi những điều nguy hiểm. Ở một vài khía cạnh, hành động này không xấu nhưng lại gây cản trở lớn đến hành trình trở nên hạnh phúc của bạn.

May mắn thay, bạn có thể luyện tập để não bộ quen với việc ghi nhớ những điều tốt đẹp. Nói cách khác, thiên hướng ngả về sự tiêu cực hoàn toàn có thể được khắc phục.

Phương án đơn giản nhất là suy ngẫm và viết xuống những điều bạn trân trọng trong ngày vừa qua. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng hành động này giúp bạn trở nên lạc quan và hài lòng hơn trong công việc.

Nếu bận rộn, bạn hãy tạo cho bản thân một thói quen hay nghi thức biết ơn đơn giản. Để dễ thực hiện, bạn hãy cố gắng gắn chúng với một hoạt động thường ngày khác. Chẳng hạn, trước khi tắt các máy tính, bạn dành thêm vài phút ngẫm lại những việc bạn đã làm tốt và biết ơn vì đã có được công việc hiện tại.

Link gốc

TAGS:
Tác giả: Theo zingnews.vn ; xuất bản: 25/01/2023 07:26
Họ tên của bạn
Địa chỉ Email
Tiêu đề
Nội dung
Mã xác nhận
Gửi nhận xét
  • Quang cảnh Nhà máy

  • Lễ khởi công xây dựng nhà máy 03/7/2010

  • Đại hội Đảng bộ Công ty Nhiệt điện Nghi Sơn 1 lần thứ 3, nhiệm kỳ 2015-2020.

  • HN Tổng kết công tác Công đoàn năm 2019 & Triển khai nhiệm vụ năm 2020

  • Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình về thăm và làm việc tại Công ty Nhiệt điện Nghi Sơn