Tỷ lệ nữ giới đảm nhận các vị trí trong hội đồng quản trị và giữ các vị trí chủ chốt trong doanh nghiệp còn khá thấp, song hiện đang tăng theo xu hướng tích cực. Bình đẳng giới có thể giúp doanh nghiệp tăng hiệu suất hoạt động cũng như lợi nhuận…
Diễn đàn các Nhà lãnh đạo doanh nghiệp 2022 với chủ đề “Vực dậy nguồn lực lao động trong giai đoạn phục hồi hậu COVID-19 – Xây dựng nơi làm việc hòa nhập” diễn ra chiều ngày 1/6 tại TP.HCM đã nhận được nhiều sự quan tâm của các doanh nghiệp.
Chia sẻ về lợi ích của bình đẳng giới tại nơi làm việc dưới góc nhìn của nhà đầu tư, bà Nguyễn Lan Anh, chuyên gia phân tích ESG, Wardhaven Capital Limited, dẫn chứng kết quả một khảo sát trong năm 2021 về bình đẳng giới ở cấp lãnh đạo điều hành với các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam trong 5 năm từ 2016 – 2020. Nghiên cứu được thực hiện trên khoảng 750 công ty niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM, kết hợp với báo cáo thường niên của các doanh nghiệp niêm yết.
Kết quả cho thấy, tỷ lệ nữ giới đảm nhận các vị trí trong hội đồng quản trị và giữ các vị trí chủ chốt trong doanh nghiệp còn khá thấp, tuy nhiên tỷ lệ này có xu hướng tăng trong vòng 5 năm qua. Nếu chỉ có 15,1% nữ giới giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt trong doanh nghiệp tại năm 2016 thì con số này đã tăng lên 17,6% vào năm 2021. “Để so sánh thì con số này không quá cách biệt so với Singapore, một nền kinh tế phát triển hơn chúng ta rất nhiều”, bà Lan Anh phân tích.
Mặc dù các công ty đạt tỷ lệ bình đẳng giới còn thấp, tuy nhiên tỷ lệ này vẫn đang tăng theo xu hướng tích cực trong 5 năm qua. Với 4,7% các công ty được nghiên cứu đạt tỷ lệ bình đẳng giới trong hội đồng quản trị, và con số này tăng lên 7,8% vào năm 2020; 6,5% các công ty được nghiên cứu đạt tỷ lệ bình đẳng giới trong vị trí chủ chốt năm 2016, con số này tăng lên hơn 9% năm 2020.
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, các công ty có tỷ lệ nữ giới tham gia vào hội đồng quản trị và nắm giữ các chức vụ chủ chốt trong doanh nghiệp có xu hướng tăng trưởng nhanh hơn và giá cổ phiếu tăng mạnh hơn so với VN-Index. “Ngoài những giá trị giúp xây dựng một xã hội bình đẳng hơn, chúng tôi tin rằng bình đẳng giới trong doanh nghiệp mang một giá trị bồi đắp, đóng góp cho hiệu suất hoạt động cũng như sự tăng trưởng giá trị vốn hóa của doanh nghiệp niêm yết”, đại diện Wardhaven Capital Limited cho biết thêm.
Cũng là một doanh nghiệp chú trọng đến công tác bình đẳng giới, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc, Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho biết, trong kết quả sản xuất kinh doanh của EVN năm 2021 có sự đóng góp tích cực và nỗ lực của 20,6% lao động nữ.
EVN đã xây dựng hành trình thúc đẩy bình đẳng giới ở hai giai đoạn, trong đó ở giai đoạn 1 từ năm 2016 – 2020 thì tỷ lệ lao động nữ tại EVN vẫn thấp, đặc biệt trong lĩnh vực kỹ thuật, tỷ lệ nữ quản lý ở các cấp cũng vậy.
Do đó, trong giai đoạn 2021 – 2025, doanh nghiệp này đặt mục tiêu nâng tỷ lệ nữ cán bộ công nhân viên lao động thêm ít nhất 2%; xây dựng tỷ lệ quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ tại các đơn vị; triển khai thêm các chương trình đào tạo chuyên môn và chương trình cố vấn cho nữ nhân viên.
“Đây sẽ là cơ hội để nữ nhân viên đóng góp thêm cho EVN, có thể cạnh tranh các vị trí trong lĩnh vực kỹ thuật, tăng năng suất lao động. Doanh nghiệp cũng sẽ được hưởng lợi khi có thêm các chương trình giáo dục, đào tạo. Việc ra quyết định sẽ tốt hơn với cách nhìn đa chiều hơn, hiệu quả cao hơn”, ông Lâm nhìn nhận.
Theo Phó Tổng giám đốc EVN, hiện cơ quan này cũng đã đưa ra hàng loạt kế hoạch thu hút nhân tài, thông qua thu hút sinh viên nữ từ các trường đại học nhờ chính sách về học bổng, thực tập có hưởng lương, các cuộc thi sáng tạo, đặc biệt trong lĩnh vực kỹ thuật.
Để thúc đẩy bình đẳng giới, EVN cũng sẽ có nhiều hoạt động ưu tiên. Đó là tăng cường sự tham gia của lao động nữ, với các hỗ trợ cần thiết như phê duyệt chính sách và hỗ trợ tài chính cho các chương trình học bổng và thực tập sinh.
Bên cạnh đó, EVN cũng ưu tiên nâng cao chất lượng của lao động nữ bằng cách tăng cường đào tạo trực tuyến E-learning…; Ưu tiên tăng cường sự tham gia của lao động nữ trong công tác quản lý điều hành. EVN kỳ vọng tỷ lệ lao động nữ vào năm 2025 đạt 15% cấp điều hành, 20% trong kế hoạch giai đoạn tiếp theo. 100% phụ nữ trong kỳ kế hoạch giai đoạn tiếp theo được đào tạo quản lý điều hành.
Link gốc