1️⃣ Thứ nhất, cả Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều có mật độ phương tiện tham gia giao thông quá đông, trong khi chất lượng khí thải từ phương tiện giao thông của Việt Nam còn thấp so với tiêu chuẩn trên thế giới. Cụ thể, Hà Nội có khoảng 5,8 triệu xe máy, ô tô; TP Hồ Chí Minh có khoảng 7,5 triệu chưa kể hàng triệu xe di chuyển cơ học qua lại địa bàn này mang theo lượng bùn, đất vào đô thị, tác động cộng hưởng này khiến bụi mịn tăng cao. Trong khi tiêu chuẩn khí thải đối với xe máy chỉ ở mức độ Euro 2, tiêu chuẩn ô tô hiện đã hướng đến Euro 4, trong khi thế giới đã có Euro 6.
2️⃣ Nguyên nhân thứ hai, theo ông Trần Hồng Hà, cả Hà Nội và TP Hồ Chí Minh nằm trong “đại công trường”, riêng Hà Nội hiện có trên 1.000 công trình xây dựng. Các công trường đang trong thời gian xây dựng, xe chở vật liệu ra vào che chắc không kỹ cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm không khí.
3️⃣ Nguồn ô nhiễm thứ ba là hoạt động của các cơ sở sản xuất, nhà máy đang còn hoạt động ở khu vực trong và ven đô thị. Hà Nội theo thống kê, số lượng nhà máy lớn còn ít, riêng TP Hồ Chí Minh khu vực ven thành phố đang có gần 900 nhà máy lớn nhỏ.
Cũng theo ông Trần Hồng Hà, ô nhiễm không khí tại Hà Nội có sự tác động sáp nhập địa giới hành chính trước đây. Nông dân vùng ngoại thành có thói quen đốt rơm rạ, phế thải nông nghiệp sau thu hoạch, đây là nguyên nhân trực tiếp phát tán bụi mịn vào không khí. Bên cạnh đó, Hà Nội còn khoảng 60.000 bếp than tổ ong được người dân sử dụng đun nấu hàng ngày, đây cũng là nguồn phát thải gây ô nhiễm không khí tại thủ đô.
Theo Thanh Niên.