Thứ hai, 25/11/2024 |
Previous
Next

Văn hóa Doanh nghiệp

Hóa giải bất đồng giữa sếp và nhân viên

Ở bất kỳ doanh nghiệp nào, mâu thuẫn giữa “sếp” và nhân viên luôn là điều khó tránh khỏi. Là một nhân viên, có lúc bạn phải suy nghĩ, có cần tranh luận với “sếp” hay không? Hãy cùng lắng nghe ý kiến của một số CBCNV Tập đoàn Điện lực Việt Nam về vấn đề này.

- PV: Anh/chị đã bao giờ gặp phải tình huống bất đồng quan điểm với “sếp” chưa? Nếu có, anh/chị nghĩ gì về điều này?

Anh Dương Văn Thắng (Công nhân Phân xưởng Điện tự động, Công ty CP Nhiệt điện Hải Phòng - Tổng công ty Phát điện 2): 

Tôi nghĩ dù ít dù nhiều thì ai cũng đã từng rơi vào tình huống này! Và tôi cho rằng đó là điều bình thường.

Chị Lô Thị Ánh Tuyết (Chuyên viên Phòng Nguồn vốn và Quản lý đồng tiền, Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực):

Việc bất đồng quan điểm với cấp trên hay đồng nghiệp luôn xảy ra dù ít hay nhiều. Tuy nhiên, với cơ quan mình sự bất đồng ở mức độ nặng thì ít lắm, chủ yếu là cùng thảo luận và trao đổi trong không khí bình đẳng, vì cấp trên của mình cũng là người thích lắng nghe nhân viên chia sẻ ý kiến trước khi đưa ra quyết định cụ thể.

Anh Hoàng Đức Quang Sáng (Điều độ viên Phòng Điều độ, Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng):

Dĩ nhiên là có rồi. Bất đồng ý kiến với cấp trên cũng là chuyện bình thường ở công sở, mâu thuẫn là động lực để phát triển mà! (cười)

- Trong tình huống đó, có nên nói thẳng quan điểm của mình hay không? 

Anh Dương Văn Thắng: “Sếp” và nhân viên có vai trò khác nhau. Do đó, tôi sẽ chọn những cuộc tranh luận nào xứng đáng và bỏ qua những việc nhỏ không cần thiết. Một khi từ bất đồng chuyển sang chỉ trích, nếu không suy nghĩ thật thấu đáo, bạn có thể sẽ mắc sai lầm. Hãy trình bày thật rõ quan điểm của mình, chú ý lắng nghe ý kiến của cấp trên, cố gắng đạt được thỏa thuận phù hợp cho cả hai bên. Nếu chưa đạt được kết quả như mong muốn, hãy biết dừng đúng lúc. Đừng cố chấp hay có hành động khiến bạn sau này phải hối hận.

Chị Lô Thị Ánh Tuyết: Cần suy nghĩ kỹ khi đưa ra ý kiến phản hồi với “sếp”! Đừng vội bầy tỏ thái độ không đồng tình. Thay vào đó, cần biết lắng nghe, bởi nhiều khi, bất đồng trong môi trường công sở thường phát sinh khi hai người có những thông tin khác nhau về một vấn đề nào đó. Hãy cởi mở đón nhận những thông tin mới mà cấp trên đưa ra. Rất có thể, thông tin của “sếp” sẽ làm bạn phải thay đổi cách nhìn. Chẳng hạn, bạn cảm thấy bực mình khi cấp trên không chấp nhận đề nghị về việc tổ chức một nhóm hỗ trợ nhập dữ liệu đang bị dồn ứ. Có thể, “sếp”  không nhận thấy sự cần thiết. Nếu bạn trao đổi với sếp một cách chi tiết, “sếp” có thể sẽ thay đổi ý kiến. Như vậy, nói rõ quan điểm của mình là cách tốt nhất để cả bạn và “sếp”  cùng hiểu được bản chất của vấn đề.

Anh Hoàng Đức Quang Sáng: Tốt nhất nên nói chuyện trực tiếp với “sếp” nếu bất đồng quan điểm. Có sự khác biệt hoàn toàn giữa người có sáng kiến, nhưng có cá tính và những người bất đồng ý kiến muốn phá ngay từ nội bộ. Nếu cuộc nói chuyện với “sếp” diễn ra căng thẳng, hãy kiềm chế cảm xúc và tiếp tục cuộc đối thoại vào một thời điểm thích hợp. Dù kết quả có thể không được như mong muốn, đừng vì thế mà trở nên “ghét” cấp trên của mình. Hãy làm việc chăm chỉ hơn, sẽ giành được niềm tin và sự tôn trọng nhiều hơn của “sếp”. Từ đó, lời nói của bạn sẽ có giá trị hơn trong những lần sau.

- Nếu cần phải  tranh luận, theo anh/chị nên đưa ra quan điểm của mình như thế nào để tránh phát sinh mâu thuẫn?

Anh Dương Văn Thắng: Thời điểm trình bày quan điểm của mình rất quan trọng. Nếu “sếp”  đang bực bội, tốt nhất hãy chờ dịp khác. Hãy chọn thời điểm thích hợp nhất có thể. Nhưng, nếu cảm thấy ý kiến của mình sẽ được chấp nhận, tôi sẽ mạnh dạn đề xuất với sếp cho tôi được thử nghiệm cách làm của mình. Tuy nhiên, không nên áp dụng cách này trong mọi trường hợp mà nên “để dành”. Chỉ khi nào bạn gặp bất đồng trong vấn đề quan trọng, mới sử dụng.

Chị Lô Thị Ánh Tuyết: Không có gì tệ hơn khi một nhân viên tỏ vẻ hiểu biết nhiều, nhưng lại không có thông tin thuyết phục. Theo tôi nghĩ, phải hiểu rõ những gì mình sẽ nói với “sếp”, tập trung vào vấn đề cốt lõi, tránh trường hợp bị lái sang chủ đề khác. Những công ty phát triển mạnh trên thế giới đa phần đều nhờ những bất đồng ý kiến theo hướng tích cực, vì họ sẽ nhìn thấy nhiều khía cạnh của một vấn đề và đưa ra giải pháp giải quyết một cách toàn diện.

Bên cạnh đó, điều chúng ta cần là có cách thể hiện thái độ hợp tác, hướng tới giải quyết vấn đề, chứ không nên thể hiện sự bực dọc, phản kháng hay thù địch. Bạn chỉ đạt được kết quả tốt, nếu bạn giữ được thái độ chân thành, cởi mở khi đối thoại với sếp. Bạn cần  hiểu rằng, sếp sẽ là người ra quyết định.

Anh Hoàng Đức Quang Sáng: Trước khi chia sẻ ý kiến của mình, hãy nghĩ thật kỹ về những gì mà cấp trên quan tâm, hay nói cách khác là đặt mình vào vị trí của cấp trên để suy nghĩ. Theo tôi, nên thử đặt ra những câu hỏi mà cấp trên của mình có thể hỏi khi trao đổi. Hãy chuẩn bị những số liệu có sức thuyết phục cao để trình bày khi gặp sếp.

- Xin cảm ơn các anh, chị. 

Nguồn: Tạp chí Điện lực, chuyên đề Quản lý và Hội nhập

TAGS:
Tác giả: Sưu tầm: Nguyễn Hiền ; xuất bản: 05/02/2020 08:28
Họ tên của bạn
Địa chỉ Email
Tiêu đề
Nội dung
Mã xác nhận
Gửi nhận xét
  • Quang cảnh Nhà máy

  • Lễ khởi công xây dựng nhà máy 03/7/2010

  • Đại hội Đảng bộ Công ty Nhiệt điện Nghi Sơn 1 lần thứ 3, nhiệm kỳ 2015-2020.

  • HN Tổng kết công tác Công đoàn năm 2019 & Triển khai nhiệm vụ năm 2020

  • Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình về thăm và làm việc tại Công ty Nhiệt điện Nghi Sơn